5 chí hướng hay 5 tình chí. Ngũ tạng có 5 chí hướng.
Tâm chí vào sự mừng (Hỷ)
Can chí vào sự giận (Nộ)
Tỳ chí vào sự suy nghĩ (Tư)
Phế chí vào sự lo buồn (Ưu)
Thận chí vào sự sợ (Khủng)
Hỷ, nộ, ưu, tư và khủng là 5 chí hướng của 5 tạng.
Như vậy 5 chí ấy cũng ở trong 7 tình mà ra.
7 tình là Hỷ, nộ, tư, ưu, khủng, kinh và bi.
Đem so 5 chí với 7 tình, thì 7 tình thêm 2 chữ kinh và bi. Xét ra kinh đã ở trong khủng mà bi đã ở trong ưu, thì ngũ chí và thất tình cũng tương hòa đồng.
Giờ đây đem ngũ chí phối hợp với "ngũ tàng" của ngũ tạng: "ngũ tàng" mỗi tạng đều chứa đựng một vật căn bản vô hình của con người.
- Tâm tàng thần
- Can tàng hồn
- Tỳ tàng ý
- Phế tàng phách
- Thận tàng tinh và chí
Ngũ chí, thất tình mà hoàn hảo, bình hòa thì ngũ tàng trong ngũ tạng vô bệnh. Nếu ngũ chí ấy nóng quá, chấn động cái hỏa khởi lên sẽ sinh bệnh. Ví dụ:
Hỷ: Mừng quá thương tâm thì hại đến thần sẽ sinh bệnh buồn phiền nóng ráo.
Tư: Nghĩ quá thương Tỳ hại đến ý sẽ sinh bệnh bĩ tắc, thũng trướng.
Ưu: Lo quá thương phế thì hại đến thể phách sẽ sinh buồn bực, uất ức, khí đưa ngược.
Khủng: Sợ quá thương thận thì hại đến tinh và chí sẽ sinh bệnh nóng âm trong xương.
Cho nên nói cái hỏa của ngũ chí mà nó chấn động mạch, tức nó nóng quá sẽ tự nhiên phát bệnh như bệnh trúng phong thì thật là bất trị. Lại nói cái hỏa của ngũ chí nó xúc động bất kỳ và trái ngược khác thường chứ không theo thứ tự truyền kinh.
Phép trị cái hỏa của ngũ chí không thể bảo rằng giản lược mà dùng những loại thuốc cay nóng ráo công phát thái quá được
Đông y số điển - Định Ninh - LÊ ĐỨC THIẾP